Cho vay ngang hàng (P2P) sẽ cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng và công ty tài chính?

Cho vay ngang hàng (P2P) sẽ cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng và công ty tài chính?Cho vay ngang hàng được xem là mô hình thành công nhất của fintech thế giới, khiến các ngân hàng "giảm thu" hàng tỷ USD, còn ở Việt Nam thì sao?

Gần đây, thuật ngữ cho vay ngang hàng (P2P) được nhắc đến khá nhiều trên thị trường, đặc biệt là sau khi công ty CP Nông nghiệp xanh Hưng Việt - một doanh nghiệp niêm yết trên HNX với mã chứng khoán HVA – đổi tên thành CTCP Đầu tư HVA và thay đổi ngành nghề kinh doanh từ nông nghiệp sang đầu tư và tư vấn tài chính – cùng với tham vọng lợi nhuận nghìn tỷ sau 6 năm hoạt động.

 Cho vay ngang hàng (P2P) sẽ cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng và công ty tài chính?

Trước HVA thì cái tên Tima cũng được thị trường lưu ý. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và tư vấn tài chính (Fintech), cung cấp các dịch vụ như tư vấn, kết nối, thẩm định khách hàng và các dịch vụ hỗ trợ vận hành cho đơn vị cho vay.

Cho vay ngang hàng được xem là mô hình thành công nhất của fintech thế giới

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thì thấp mà cho vay ra lại cao khiến người đi vay phải nhiều phen lao đao, các tổ chức cho vay ngang hàng trên thế giới đã ra đời và thực sự bùng nổ trong vài năm gần đây. Thậm chí có nhiều đánh giá rằng, sự bùng nổ của các tổ chức cho vay ngang hàng (kết nối trực tiếp 2 người với nhau mà không cần qua các ngân hàng rắc rối) trên thế giới được cho là mô hình thành công nhất của fintech – xu hướng mới kết hợp giữa công nghệ và tài chính. Cuối năm 2014, Lending Club - công ty cho vay P2P lớn nhất - đã chính thức niêm yết cổ phiếu. John Mack (một lãnh đạo cũ của Morgan Stanley) và cả cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đều có ghế trong hội đồng quản trị của Lending Club.

Cũng giống như Uber, Grab là kết nối người có xe ô tô rảnh rỗi với người có nhu cầu di chuyển, thì các công ty P2P đã làm thay vai trò của ngân hàng, tạo ra một hệ thống mà trong đó hai bên có thể trực tiếp liên lạc và thỏa thuận với nhau. Họ chấm điểm tín dụng và thu phí cho việc kết nối, chứ không phải hưởng từ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

Hiện trên thế giới có 5 công ty lớn nhất về cho vay ngang hàng đó là Lending Club, Prosper, SoFi (đều ở San Francisco), Zopa và RateSetter (ở London), tạo ra hàng triệu khoản vay. Ở châu Âu và Trung Quốc các mô hình này cũng phát triển khá mạnh mẽ dù với quy mô nhỏ hơn.

Cho vay ngang hàng ở Việt Nam chẳng khác nào tín dụng đen?

Hoạt động của các công ty tư vấn tài chính ở Việt Nam vẫn còn sơ khai và chưa đạt đến mức chuẩn của P2P như thế giới. Họ đang kiếm nguồn thu từ việc ăn chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, đồng thời có thể thu phí thêm từ phía người dùng.

Nhưng các mức lãi suất mà những công ty dạng này huy động vốn thường cao hơn ngân hàng còn cho vay ra lại rẻ hơn công ty tài chính. Chính bởi vậy, các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đang được nhiều người tiêu dùng biết tới.

Trên thị trường hiện có nhiều cái tên nổi danh trong lĩnh vực này như Tima, SHA, Mobivi… song theo ông Nguyễn Văn Thực, Tổng giám đốc Tima, thì các công ty hầu hết đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, chỉ có Tima là đang dẫn đầu thị trường với quy mô giao dịch và lượng khách hàng đáng kể do công ty có sự đầu tư bài bản và nghiêm túc cho mô hình này.

Có ý kiến cho rằng, bởi lãi suất cao nên P2P cũng giống như hoạt động cho vay tín dụng đen. Tuy nhiên, cũng như hoạt động của các công ty tài chính thì các công ty tư vấn tài chính, chẳng hạn như Tima, đều có đăng ký kinh doanh đầy đủ theo quy định của pháp luật và hoạt động có cơ sở rõ ràng.

Ngoài ra, các công ty P2P như công ty Tima đang ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa việc đăng ký vay, kết nối nhanh chóng người đi vay và đơn vị cho vay, hỗ trợ đơn vị cho vay rút ngắn tối đa thời gian thẩm định và ra quyết định cho vay dựa trên công nghệ chấm điểm tín dụng đa chiều. Mục đích ra đời của mô hình P2P trên thế giới là giúp cho người đi vay tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng với chi phí hợp lý nhất, đồng thời giúp các đơn vị tài chính tiết kiệm thời gian cũng như chi phí vận hành kinh doanh và mở rộng được đối tượng khách hàng của mình, và các công ty ở Việt Nam cũng đang hướng tới như vậy.

Người dùng được gì khi vay ngang hàng?

Theo TS. Bùi Quang Tín, P2P là cơ chế cho vay trực tiếp và tín chấp. Đây là phương thức kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới cùng với hệ thống công nghệ tiên tiến. Vị chuyên gia này cũng đánh giá rằng, những tiện ích vượt trội của nó cộng với quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe của ngân hàng sẽ khiến mô hình này phát triển mạnh. Thậm chí, một số công ty P2P ở Việt Nam đã được các đối tác ngoại rót vốn đầu tư.

Có những ý kiến quan ngại rằng, trong hoạt động cho vay trực tiếp giữa ngân hàng hay công ty tài chính với khách hàng thì người cho vay phải lo phòng ngừa rủi ro. Nhưng còn hoạt động cho vay ngang hàng thì rủi ro sẽ đi kèm với người gửi và người vay, còn người đứng trung gian sẽ chẳng lo rủi ro gì. Song theo ông Thực, các công ty này vẫn phải có trách nhiệm, họ phải tìm kiếm những khách hàng tốt và kiểm soát rủi ro nợ xấu để không chỉ thu về lợi nhuận qua hoạt động P2P mà còn giữ uy tín với khách hàng – thứ quan trọng nhất trong kinh doanh.

"Chúng tôi luôn theo dõi khoản vay từ lúc đàm phán giữa 2 bên cho đến quá trình giải ngân và tất toán. Từ đó chúng tôi có thể lắng nghe được phản hồi của hai bên để giúp chúng tôi tối ưu quy trình, công nghệ, sản phẩm hướng đến cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Trong tương lai, chúng tôi sẽ hợp tác với các đơn vị bảo hiểm để tham gia vào việc bảo hiểm khoản vay, đảm bảo cho các đơn vị cho vay không mất vốn nếu rủi ro có thể xảy ra" - ông nói.

P2P là đối thủ của ngân hàng và công ty tài chính?

Trên thị trường hầu như rất ít doanh nghiệp có hoạt động tương tự nhau nhưng ở phân khúc khác nhau nhận nhau là đối thủ, và nhóm này cũng vậy. Theo ông Thực, ngân hàng và công ty tài chính là một trong các đối tác quan trọng của mô hình kết nối ngang hàng với vai trò là đơn vị cho vay. Họ, tức các công ty tư vấn tài chính, không cạnh tranh mà hỗ trợ các tổ chức tài chính trong việc tìm kiếm khách hàng và vận hành kinh doanh, đó là quan hệ win-win. Còn đối thủ cạnh tranh chỉ là những công ty hoạt động trong cùng mô hình mà thôi.

Song cũng như các ngân hàng hay công ty tài chính thì các công ty P2P hay các ví điện tử sẽ không chú trọng nhiều vào các khoản phí, mà phải hướng đến những nhóm khách hàng nhất định để bán sản phẩm. Và theo ông Thực, doanh nghiệp của ông sắp tới sẽ đẩy mạnh việc cung ứng dịch vụ chấm điểm tín dụng và sẽ áp dụng thu phí tài khoản VIP với các đơn vị cho vay hoạt động trên sàn, tương ứng với những giá trị mà công ty mang lại cho khách hàng, và đây cũng sẽ là những nền tảng mang đến lợi nhuận trong những năm tới.