Một số vấn đề xu hướng cho vay tín chấp tại Việt Nam

Khi mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp và có nhiều khả năng sẽ giảm tiếp, khi kinh tế có những chuyển biến về chất, thị trường kỳ vọng về sự phát triển của hoạt động cho vay tín chấp.

Một số vấn đề xu hướng cho vay tín chấp tại Việt Nam


Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, nhưng tín dụng vẫn tăng chậm, buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tìm mọi cách để đẩy mạnh tín dụng, tiếp tục mở rộng cho vay tiêu dùng và cho vay qua thẻ, đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi, phối hợp cùng chính quyền địa phương mở rộng tín dụng thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp...

Ngoại trừ cho vay tiêu dùng và cho vay qua thẻ, lãi suất cho vay theo các chương trình tín dụng tương đối thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay thông thường trên thị trường, phát tín hiệu về xu hướng chuyển dần sang cho vay dựa trên kết quả định mức tín nhiệm về khách hàng vay vốn, thường được gọi là cho vay tín chấp.

Trong quan hệ sản xuất kinh doanh hàng ngày, cho vay tín chấp cũng phổ biến trong giao dịch hàng hóa giữa bên cung ứng và bên tiêu thụhàng hóa, mà bên tiêu thụ nhận hàng hóa trước và thanh toán tiền sau khi bán được hàng. Hình thức cho vay này khá an toàn, nhưng cá biệt vẫn gặp rủi ro “trắng tay”, do một bên đối tác chủ ý “lừa đảo” với nhiều cách thức khác nhau. Điều này đòi hỏi phải nắm rõ lai lịch của đối tác, khi một doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn ứng trước hàng hóa cho khách hàng.

Để có thể cho vay không có tài sản bảo đảm, các TCTD phải dựa trên thông tin về khách hàng do các công ty định mức tín nhiệm cung cấp và từ một số nguồn thông tin khác. Trong đó, thông tin quan trọng hàng đầu cần thu thập là năng lực trả nợ, dòng tiền trong tương lai và ý thức trách nhiệm của khách hàng khi vỡ nợ.

Trong nền kinh tế tăng trưởng nóng như đã xảy ra tại Việt Nam trước khủng hoàng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, lãi suất đã tăng liên tục, một số người tìm cách thu gom nguồn tiền nhàn rỗi từ nhiều người khác nhau về một đầu mối (cho nhà đầu tư vay lại) với lãi suất cao ngất ngưởng, dẫn đến đổ vỡ khi kinh tế suy thoái do nhà đầu tư không còn khả năng thanh toán.

Liên quan đến các vụ vỡ hụi, kỳ vọng về lãi suất được hưởng quá cao đã khiến bên cho vay là nạn nhân của những mối quan hệ khác nhau, kể cả quen biết rõ ràng, do người khác giới thiệu, thậm chí không hề quen biết. Kỳ vọng về lãi suất cao đã thu hút nhiều người có tiền, mà không để ý đến những rủi ro có thể xảy ra.

Trên thực tế, các TCTD Việt Nam đã sử dụng kết quả xếp hạng khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia cung cấp, nhưng chỉ có ý nghĩa tham khảo và tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh vẫn là điều kiện tiên quyết khi quyết định cho vay. Tuy nhiên, hoạt động cho vay vẫn vấp phải nhiều rủi ro, những TCTD rất khó thu hồi nợ, ngay cả trường hợp khách hàng có tài sản thế chấp, mà nguyên nhân đơn giản là do khách hàng không còn khả năng thanh toán, việc bán tài sản thế chấp cũng mất nhiều thời gian.

Vì thế, khi mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp và có nhiều khả năng sẽ giảm tiếp khi kinh tế có những chuyển biến về chất, thị trường kỳ vọng về sự phát triển của hoạt động cho vay tín chấp.

Tuy nhiên, các TCTD Việt Nam vẫn chưa thể liều lĩnh mở rộng cho vay tín chấp một cách ồ ạt do mức độ rủi ro vẫn ở mức cao, kinh tế hồi phục chậm và đang đối mặt với nhiều rủi ro từ trong và ngoài nước, thông tin về khách hàng cũng chưa thật sự khách quan, trung thực. Để mở rộng cho vay tín chấp, các TCTD phải thu thập thông tin và đánh giá lại khách hàng và lĩnh vực đầu tư theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro nhằm đảm bảo hiệu quả cho vay.

(Theo chinhphu.vn)