Khó cho vay DN, ngân hàng chuyển hướng cho vay tiêu dùng

(DĐDN) - Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, hàng hóa ế ẩm, SXKD đình trệ thì việc cho vay DN trở nên rất khó khăn. Để cải thiện tình hình, các ngân hàng có xu hướng chuyển sang phân khúc khách hàng cá nhân, những người có nhu cầu vay tiêu dùng.

Khó cho vay DN, ngân hàng chuyển hướng cho vay tiêu dùng

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch&Đầu tư, tính đến cuối tháng 9/2013, tăng trưởng tín dụng toàn quốc đạt 6,8%, chỉ bằng một nửa chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Tại Hà Nội, tổng mức huy động vốn tại thời điểm này chỉ tăng thêm 9,11%, trong đó, mức cho vay mới chỉ tăng 3,4% so với cuối năm 2012.

Chật vật cho vay doanh nghiệp

Lý giải hiện tượng dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp thời gian qua, giám đốc một Chi nhánh ngân hàng BIDV tại Hà Nội cho biết: Hiện nay việc cho vay SXKD rất khó khăn do hàng hóa ế ẩm không bán được, tồn kho tăng cao nên các DN chỉ hoạt động cầm chừng dẫn đến nhu cầu vay vốn thấp.

Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Cty May mặc Phúc Thịnh (Hà Nội) chia sẻ: “Hiện hàng tồn kho tại công ty chúng tôi khá cao, sức mua thị trường chưa được cải thiện, nên chúng tôi buộc phải thu hẹp sản xuất và giảm bớt nhân công. Giờ chúng tôi không thiết tha lắm với việc vay vốn để đầu tư, sản xuất”.Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Cao Thanh Hà - Giám đốc một Cty sản xuất nhựa tại TP HCM lại chỉ ra một khía cạnh khác:  Hiện nay, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng giá nguyên liệu vẫn tăng cao, trong khi hàng hóa làm ra ế ẩm không bán được, lãi suất của ngân hàng mặc dù đã giảm nhiều nhưng vẫn còn khá cao so với tình trạng của DN, càng làm càng lỗ nên nhiều DN buộc phải tạm dừng SXKD.

Việc cho vay SXKD không chỉ khó từ DN mà nó còn vướng ngay cả từ phía ngân hàng. Tại thời điểm hiện nay, do nợ xấu tăng cao, khả năng mất cả vốn lẫn lãi luôn rình rập nên ngay cả phía ngân hàng dù rất muốn nhưng cũng rất dè dặt việc cho vay. “Để có thể cho DN vay SXKD hay thực hiện dự án đầu tư thì ngân hàng phải thẩm định rất kỹ lưỡng trước khi giải ngân, nếu DN nào có dự án tốt, khả thi, tài sản thế chấp đảm bảo thì mới được cho vay, tránh tình trạng DN vay để đảo nợ, lấy chỗ này đập vào chỗ kia dẫn đến nợ xấu ngày càng tăng cao. Hiện nay tất cả các ngân hàng đang siết chặt tín dụng và đặt tiêu chí an toàn đồng vốn lên hàng đầu” - Lãnh đạo một ngân hàng khẳng định.

Chuyển hướng sang người tiêu dùng

Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia, tình hình kinh tế khó khăn sẽ còn đeo đẳng và kéo dài trong vài năm tới. Việc trông chờ vào đối tượng khách hàng là DN để tăng doanh thu và lợi nhuận là điều khó đạt được.
Một chuyên gia kinh tế phân tích: Trong bối cảnh hiện nay, việc các ngân hàng chuyển hướng sang “chăm sóc” người tiêu dùng là hoàn toàn hợp lý bởi dân số Việt Nam hiện rất đông lên đến 90 triệu người, nhu cầu sử dụng tiền vào các việc nhỏ lẻ như mua sắm, sửa chữa nhà cửa và đặc biệt là mua xe, mua nhà trả góp là rất lớn. Nếu chỉ một phần mười dân số, tức là 9 triệu người vay và mỗi người vay bình quân 30 triệu đồng/năm, thì tổng số tiền cho vay ra đã đạt mức 270 ngàn tỷ đồng, một con số vô cùng lớn. Chưa dùng ở đó, do vay tiêu dùng thường ở mức giá trị thấp, có tài sản thế chấp cũng như phương án trả nợ, nên đối với ngân hàng đây là những khoản vay an toàn, rất ít rủi ro và dễ thu hồi nợ.

Theo một thống kê mới được đưa ra, cứ 100 người được hỏi ngẫu nhiên, thì đã có đến khoảng hơn 60% số người được hỏi là nếu có nhu cầu tiêu tiền đột xuất sẽ vay của ngân hàng. “Vào thời điểm hiện nay, việc vay khoảng trăm triệu, thậm chí vài chục triệu từ bạn bè, người thân là khá phiền phức vì giờ đây ai cũng khó khăn. Do vậy giải pháp vay tiêu dùng từ phía ngân hàng là hợp lý nhất, thời gian trả nợ dài làm nhiều đợt, và đặc biệt là lãi suất khá dễ chịu” - Anh Nguyễn Vĩnh Tiến, nhà ở quận Đống Đa tâm sự.

Bà Vũ Thị Ngọc Lan - Phó phụ trách Phòng bán lẻ (phòng tín dụng khách hàng cá nhân) của Vietinbank Chi nhánh Đống Đa cho biết: Cách đây vài năm, nhận thấy việc cho vay tiêu dùng rất tiềm năng, an toàn và ổn định nên Vietinbank đã chuyển hướng tập trung vào phân khúc khách hàng này. Tại Vietinbank, mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện ở mức khoảng 8%/năm trong 6 tháng đầu tiên và 12% cho các tháng tiếp theo. Không những vậy, Vietinbank còn cử người đến tận nhà để tư vấn, làm thủ tục giúp khách hàng vay tiền được thuận lợi. Chính vì những lẽ đó nên tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng của Vietinbank tăng lên rất nhanh.

Vẫn còn nhiều rào cản

Mặc dù có nhiều cái được như vậy nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong cho vay tiêu dùng như, đặc biệt là thủ tục cho vay, phương án trả nợ. Một chuyên gia kinh tế cho rằng: Hiện nay, thông thường người dân chỉ có 2 loại tài sản có giá trị để thế chấp vay là sổ đỏ và ô tô. Để có thể vay một khoản nhỏ nhất vài chục triệu thì ngưòi dân vẫn phải mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, việc thế chấp sổ đỏ lại phải có sự đồng ý bằng chữ ký của tất cả các thành viên liên quan trong gia đình, trong khi khoản vay đôi khi rất nhỏ và chỉ dùng để giải quyết những việc đột xuất cá nhân, nên khách hàng rất ngại mang sổ đỏ đi thế chấp. Đối với tài sản là ô tô thì do là phương tiện đi lại nên nếu đem đi thế chấp cũng chỉ đặt giấy tờ xe, trong khi việc theo dõi và giám sát tình trạng xe rất khó nên gần như không có ngân hàng nào “vui vẻ” khi khách hàng mang xe ô tô đến thế chấp.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đưa ra phương án cho vay tiêu dùng dựa trên nguồn thu nhập ổn định (lương hoặc thu nhập khác). Theo phương án này, người vay tiêu dùng phải chứng minh được nguồn thu nhập của mình. Đối với Việt Nam chúng ta khi mà tiền mặt trong tiêu dùng vẫn là chính, thì việc xác nhận mức thu nhập cao đủ điều kiện để vay một khoản nào đó từ phía các cơ quan, đơn vị mà người vay đang làm việc là điều không hề dễ dàng. Thông thường các đơn vị chỉ xác nhận người đi vay có phải là CBCNV của mình hay không chứ họ không xác nhận mức thu nhập cụ thể từng người là bao nhiêu. Chính vì những lẽ đó nên mặc dù rất có thiện chí của cả 2 bên là người vay và người cho vay nhưng cuối cùng hợp đồng tín dụng vẫn không thể ký kết.

Một cán bộ trực tiếp thẩm định cho vay tiêu dùng “bật mí”: Nhiều khi tiếp xúc với khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng chúng tôi phải quan sát, tiếp xúc và cảm nhận xem người đó có vị trí xã hội thế nào, mức sống ra sao và đặc biệt là xem tư cách đạo đức người đó có tốt hay không mới quyết định việc cho vay.

Như vậy, nếu không có những giải pháp hợp tình hợp lý thì chắc còn rất lâu nữa chúng ta mới đáp ứng được nhu cầu rất lớn vay vốn tiêu dùng chính đáng của người dân. Và khi đó, nguồn lực tài chính bị bỏ phí, công cụ  kich cầu tiêu dùng bị lãng quên, dẫn đến sức mua suy giảm, sản xuất hàng hóa khó tăng trưởng, làm cản trở tiến trình phát triển kinh tế đất nước.

Tiến Dũng
Theo dddn.com.vn